Ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị đang ngày càng trở nên đáng báo động nhưng việc quản lý về vấn đề này vẫn còn nhiều thiếu sót. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần sử dụng công cụ tài chính, xem xét vấn đề thu phí khí thải để cải thiện chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng

Những ngày cuối tháng 8/2019, chất lượng không khí ở Hà Nội đo tại các điểm quan trắc vào đầu giờ sáng cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu. Đặc biệt, riêng ngày 26/8, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội và các tỉnh xung quanh, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều ở ngưỡng từ 151 – 200, mức báo động đỏ ở hầu hết các vị trí trong nội thành.

Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chất lượng không khí có chỉ số từ 100 đến 200 là thuộc nhóm không tốt, nên những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Austraylia, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Còn tại Mỹ, chỉ số AQI từ 150 đến 200 thuộc nhóm mọi người đều có thể gặp vấn đề về sức khỏe, người nhạy cảm chịu tác động nghiêm trọng hơn. Tại Thái Lan, chỉ số không khí lên ngưỡng như trên sẽ phải đóng cửa trường học để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh cũng như giảm lượng phương tiện tham gia giao thông. Ngày 30/1/2019, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan từng đóng cửa 437 trường học vì chỉ số AQI lên hơn 170.

Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Theo công bố mới nhất của tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual về danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 15 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, còn Hà Nội xếp thứ 12. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy chỉ số bụi đều vượt mức cho phép ở toàn bộ các trạm quan trắc, có điểm vượt gần 10 lần quy chuẩn Việt Nam.

Theo các chuyên gia, bụi mịn, hay bụi PM2.5 là những hạt li ti trong không khí có kích thước 2,5 micromet trở xuống được hình thành từ các chất như Cacbon, Sulfua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Loại bụi này có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu, có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp.

Xem xét vấn đề thu phí khí thải

PGS, TS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (HUSTA) cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị hiện nay chủ yếu là do hoạt động giao thông với mật độ cao và từ hoạt động xây dựng trong khi đó còn thiếu nguồn lực trong quản lý chất lượng không khí. Ngoài ra, quy chuẩn về nồng độ phát thải tại Việt Nam nhìn chung còn thấp hơn so với quốc tế và cơ chế kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí còn lỏng lẻo. Việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong vấn đề kiểm soát chất lượng không khí cũng là một nguyên nhân.

Để giảm phát thải từ các phương tiện giao thông, PGS, TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý cần xem xét có cơ chế để thúc đẩy xã hội chuyển sang các phương tiện sử dụng nhiên liệu có lượng phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, cần xem xét việc kiểm tra lượng khí thải của các phương tiện xe máy, ô tô. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch đô thị hợp lý, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng.

Bà Nguyễn Anh Thư, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đưa ra khuyến nghị cần sớm ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí. Ví dụ như xây dựng Luật Không khí sạch, để đưa ra khung pháp lý và hướng dẫn cụ thể về quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam. Đồng thời cần thiết lập nhiều hơn trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, thúc đẩy ứng dụng các thiết bị cảm biến chất lượng không khí chi phí thấp hỗ trợ giúp nâng cao nhận thức của người dân và cảnh báo người dân về tình trạng ô nhiễm không khí.

Đại diện GreenID cũng cho rằng, cần có chính sách kiểm soát các nguồn phát thải và xem xét sử dụng công cụ tài chính để kiểm soát các nguồn phát thải lớn (xi măng, nhiệt điện, thép…).

Đồng quan điểm này, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần sớm thu phí phát thải để cải thiện chất lượng không khí. Vấn đề phí phát thải đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Tuy nhiên, đến nay việc quản lý về khí thải vẫn gặp một số vướng mắc do chưa xác định được căn cứ tính phí khí thải, các thông số như thế nào, đo đạc ra sao cho chính xác là vấn đề khó.

“Tôi được biết, Bộ Tài chính được giao soạn thảo nghị định về phí phát thải. Tôi rất hi vọng trong năm nay, nghị định đó sẽ hoàn thiện để có thêm 1 công cụ tài chính kiểm soát nguồn phát thải, góp phần cải thiện chất lượng không khí”, TS Hoàng Dương Tùng cho biết.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, có thể lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại một số cơ sở sản xuất phát thải lớn. Những số liệu quan trắc này sẽ  là cơ sở quy định tính phí khí thải để làm sao các cơ sở sản xuất dù có thể đáp ứng các quy chuẩn cho phép nhưng vẫn phải nộp phí phát thải để giảm thiểu lượng phát thải ra ngoài môi trường.

Cùng đó, cần tiến hành kiểm kê phát thải càng sớm càng tốt để xác định rõ tỷ lệ các nguồn gây ô nhiễm từ giao thông, xây dựng, các nguồn sản xuất… Thực hiện kiểm kê phát thải càng sớm thì càng có cơ hội đề ra những chính sách phù hợp, khả thi. Từ đó, sẽ xây dựng được một kế hoạch quản lý môi trường không khí xác thực, các cơ quan quản lý sẽ biết được làm gì, bao giờ, ưu tiên cái gì trước để đảm bảo chất lượng không khí an toàn cho người dân.

Theo TTXVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi: 0962.136.228